Việt Nam quyết tâm xây dựng bảo hiểm y tế toàn dân
Để thực hiện được điều này, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan đã nhanh chóng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai, đồng thời tăng cường trách nhiệm và nâng cao năng lực thực hiện BHYT tại các đơn vị có liên quan.
Nhanh chóng giải quyết các vấn đề nảy sinh sau khi áp luật
Nhanh chóng giải quyết các vấn đề nảy sinh sau khi áp luật
Một trong những quy định gây bức xúc trong dư luận là người tham gia BHYT khi bị tai nạn giao thông, BHYT sẽ chỉ thanh toán nếu người đó không vi phạm pháp luật. Điều này đã gây khó cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện bởi việc xác định ai phạm luật là việc của bên CSGT. Nếu không xác định một cách rõ ràng thì việc thanh toán BHYT sẽ lại gặp rất nhiều rắc rối.
Ngay sau khi có những phản ứng từ phái dư luận, Bộ Tư pháp cũng đã “túyt còi” quy định này. Vụ BHYT cũng đã kịp thời xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thanh toán chi phí KCB đối với người tham gia BHYT bị TNGT đã được Bộ Y tế công bố trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến nhân dân.
Bộ Y tế cũng đã nhanh chóng tiếp thu các ý kiến phản hồi, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong luật BHYT (quy định về thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông là một ví dụ cụ thể)
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) thì dự thảo sẽ quy định người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông (TNGT) tại thời điểm vào cơ sở khám chữa bệnh trong khi chưa xác định được tình trạng có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì vẫn được hưởng quyền lợi theo quy định của Luật BHYT về khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Dự thảo cũng quy định, hai trường hợp người bị TNGT là trẻ em dưới 16 tuổi, người mắc bệnh tâm thần vẫn được thanh toán BHYT mà không phải xác định vi phạm pháp luật về giao thông.
Cũng theo dự thảo, các trường hợp không được hưởng quyền lợi BHYT khi bị TNGT đã được xác định do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra hoặc trường hợp bị TNGT nhưng thuộc phạm vi thanh toán của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động đối với người sử dụng lao động.
Bà Tống Thị Song Hương cũng cho biết thêm, việc xác định có vi phạm luật giao thông hay không sẽ tiến hành sau và dự kiến cơ quan BHXH sẽ làm nhiệm vụ xác minh, xác định xem người bệnh có vi phạm luật hay không.
Cũng trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, mới đây việc đổi mã thẻ BHYT cho đối tượng là hưu trí có công từ mã HT5 thành HT2 đã khiến dư luận khá bức xúc.
Ngay sau khi có phản ánh từ thực tế, BHXH Việt Nam đã “sửa sai” bằng cách ban hành “Hướng dẫn về chuyển đổi mã quyền lợi thẻ BHYT cho người có công và người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn”.
Hướng dẫn mới này nêu rõ, việc đổi thẻ BHYT từ mã HT5 sang HT2 sẽ được thực hiện bằng cách mang giấy xác nhận là người có công và do cơ quan cấp đến BHXH quận, huyện. Riêng những trường hợp đã mất giấy tờ chứng nhận người có công thì Cục quản lý người có công, Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét hoặc Sở LĐ-TB&XH, Ban thi đua cấp tỉnh, UBND hoặc cơ quan của người tham gia đã làm việc có thể xác nhận.
Theo đó, các đối tượng người có công với cách mạng có thẻ BHYT (mã mới là HT2) sẽ được hưởng toàn bộ quyền lợi khi KCB theo Luật BHYT, không phải cùng chi trả 5% viện phí. Đối với những trường hợp đã phải thanh toán chi phí trong thời gian qua do nhầm mã thẻ sẽ được hoàn lại tiền đồng chi trả; Những trường hợp chưa được cấp thẻ đang chờ cũng được thanh toán 100% khi mang theo giấy chứng nhận là người có công.
Tăng cường trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi người bệnh
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết để đảm bảo luật BHYT đi sâu vào đời sống, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014 (hiện cả nước đã có 62% dân số tham gia BHYT) thì việc cần làm là phải tăng cường trách nhiệm và nâng cao năng lực thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.
Đây cũng chính là chủ đề của ngày BHYT Việt Nam năm 2010. Với chủ đề này, ngành y tế mong muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, Đảng, tổ chức đoàn thể cũng như của người dân về BHYT đồng thời tạo ra sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường trách nhiệm lãnh đạo quản lý và tổ chức thực hiện chính sách BHYT...
Bộ Y tế cũng đã đưa ra những biện pháp cụ thể để thực hiện thành công mục tiêu “tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực thực hiện chính sách pháp luật về BHYT” trong năm 2010.
Cụ thể: Bộ Y tế đã xây dựng thành công “Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT”, gồm 4 chương, 54 điều. Dự thảo này được kỳ vọng sẽ khiến ý thức và trách nhiệm của các bên liên quan khi triển khai luật BHYT sẽ được cụ thể hóa bằng các biện pháp xử phạt hành chính có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu đối tượng vi phạm phải đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả.
Có thể kể ra một vài biện pháp mạnh như: Việc chậm cấp thẻ BHYT từ 10 ngày làm việc trở lên, số lượng thẻ cấp chậm từ 1.000 thẻ trở lên bị phạt 10 triệu đồng, đồng thời phải chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ trong thời gian chậm trễ.
Đối với các trường hợp lập bệnh án, kê đơn thuốc mà không có người bệnh có thể bị phạt tới 40 triệu đồng nếu giá trị tiền thuốc, phí khám chữa bệnh ở mức 20 triệu đồng.
Các trường hợp lạm dụng dịch vụ y tế trong KCB có thể bị phạt 20 triệu đồng.
Hành vi gây khó khăn, cản trở người đến khám bệnh BHYT cũng sẽ bị xử phạt đến 20 triệu đồng.
Đặc biệt các trường hợp cung ứng vật tư, hóa chất, thuốc không đầy đủ trong khám chữa bệnh BHYT có thể bị phạt đến 100 triệu đồng...
Hành vi không đóng BHYT cho người lao động của người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/mỗi lao động.
BHXH VN: Bộ Y tế cần bình ổn được giá thuốc
Về phía BHXH Việt Nam, một trong những cơ quan trực tiếp tham gia triển khai, giám sát triển khai luật BHYT, cơ quan này cho rằng muốn tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực thực hiện chính sách pháp luật về BHYT thì cần tạo điều kiện tốt cho các đơn vị thực hiện để họ đạt được mục tiêu mà Bộ Y tế đề ra.
Theo đó, cần phải tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách để củng cố, phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, nhất là mạng lưới y tế cơ sở để giảm quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, bảo đảm việc đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã theo quy định của Luật BHYT.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành, cần sớm có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát và lập danh sách các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, hộ cận nghèo và người nghèo còn lại, chuyển cơ quan BHXH để hoàn tất việc cấp thẻ theo quy định của Luật BHYT.
Riêng đối với việc quản lý giá thuốc chữa bệnh trong nước, BHXH VN kiến nghị Bộ Y tế cần có phương án bình ổn giá mặt hàng đặc thù này, đồng thời phối hợp với BHXH Việt Nam thí điểm phương thức đấu thầu thuốc quốc gia, thống nhất giá thuốc và bảo đảm giá thuốc trong bệnh viện không cao hơn giá thuốc ngoài thị trường.
Đặc biệt, cần ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước và quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn chi phí thuốc BHYT. Bộ Y tế cũng cần sớm ban hành các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị chuẩn trong chẩn đoán và điều trị nhằm bảo đảm việc chỉ định, sử dụng các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật y tế được thực hiện theo đúng yêu cầu chuyên môn, tránh lãng phí, gây lạm chi cho Quỹ BHYT.
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Một trong những quy định gây bức xúc trong dư luận là người tham gia BHYT khi bị tai nạn giao thông, BHYT sẽ chỉ thanh toán nếu người đó không vi phạm pháp luật. Điều này đã gây khó cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện bởi việc xác định ai phạm luật là việc của bên CSGT. Nếu không xác định một cách rõ ràng thì việc thanh toán BHYT sẽ lại gặp rất nhiều rắc rối.
Massageishealthy - Kiến thức bệnh đau dạ dày, sức khỏe và đời sống
Địa chỉ: 1/30 Đ đường số 5, ấp Hưng Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, Hồ Chí Minh 70000
Phone: 090 891 67 05 Mail massagehealthycare@gmail.com
#massageishealthy #suckhoe #benhdaudaday #lamdep